Bánh mì vị tỏi và hương thảo à? Là bánh như thế nào?
Trước khi vào bếp cùng làm bánh này, mình tán phét một chút nhé.
Ngày cuối tuần của bạn bắt đầu như thế nào?
2 ngày cuối tuần của mình thường cũng bận không kém gì ngày đi làm. Những ngày trong tuần, mình đi làm từ sáng tới tối, về nhà thì đã muộn nên ngày trong tuần không thể làm bánh gì. Mình thường tranh thủ 2 ngày cuối tuần để làm một số loại bánh khác nhau cho cả nhà ăn dần trong tuần. Chủ yếu nhất là để cho trẻ con có đồ ăn mang đi học.
Buổi sáng cuối tuần, sau khi nấu cho cả nhà bữa sáng là món mì nóng, cả nhà ngồi quây quần ăn sáng với nhau, cùng xì xụp tô mì nóng rất vui. Ngày trong tuần thì ai nấy đều vội vàng, trẻ con thì đi học, người lớn thì đi làm, nên cả nhà thường ăn sáng nhanh kiểu “Tây”, thường ăn nhất là bánh mì sandwich nướng và ngũ cốc với sữa. Thế nên đúng thật sự là chỉ có buổi sáng cuối tuần mình mới nấu được mì cho cả nhà ngồi ăn thong dong.
Sau bữa sáng, mình thường nhào một mẻ bánh mì, hôm nào hứng lên thì nhào liền hai loại bánh mì khác nhau. Sau khi nhào bột xong là ủ bột. Lúc chờ cho bột nở, mình thường rủ chồng mình đi dạo quanh mấy đoạn phố trong khu mình ở nếu trời không mưa.
Những ngày nắng đẹp thì thật tuyệt. Bầu không khí trong lành lạnh, trong veo, yên tĩnh, đi dạo loanh quanh sảng khoái vô cùng. Những đoạn phố thân quen, những cái cây rất quen rồi vẫn thấy đẹp thế. Có những bụi hoa mới tuần trước còn chưa nở, tuần này đi qua đã rực rỡ hết cả một vạt.
Mình cảm thấy thật may mắn vì cả gia đình đang có những ngày tháng sống tại New Zealand thật tuyệt vời. NZ là một đất nước xinh đẹp và yên bình, đặc biệt là thành phố nhỏ nơi nhà mình đang sống thanh bình và yên tĩnh tới mức em gái mình đã phát hiện ra rằng: ảnh nào chụp cũng chẳng thấy bóng người. Nhiều khi còn không có bóng xe luôn. Cuộc sống tĩnh lặng và yên ả như thế này chính là cuộc sống mình ao ước nhiều năm nay.
Mặc dù đang là mùa đông nhưng NZ vẫn rất nhiều hoa. Ảnh trên là hoa trà – loại hoa được trồng rất nhiều trong các ngôi nhà ở NZ. Bụi cây hoa trà ở đây rất to và cao, rộng, người ta trồng cây hoa trà để làm thành hàng rào cho ngôi nhà luôn chứ không đơn giản trồng để làm cảnh.
Những bụi hoa trà ở đây to như vầy nè:
Đêm hôm trước có trận mưa lớn khiến cho cánh hoa rụng rất nhiều. Phần lớn những ngôi nhà trên đường mình đi dạo đều có trồng hoa trà. Phổ biến nhất là hoa trà màu hồng và màu trắng.
Sau khi đi dạo một vòng khoảng gần một tiếng đồng hồ, mình trở về nhà kiểm tra bột bánh mì đang ủ. Thường lúc này bột đã nở lên gấp đôi, vì ở NZ thời tiết thường lạnh nên mình hay ủ bột trong lò nướng, vì vậy bột vẫn nở tốt trong vòng một tiếng đồng hồ.
Thế rồi mình bắt tay vào việc tạo hình bánh, tạo hình xong thì cho bột vào khuôn khay để ủ lần hai. Trong thời gian ủ lần hai này thì mình chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà. Xong bữa trưa cũng là lúc bột bánh mì đã sẵn sàng để nướng. Từ lúc này đến chiều muộn, căn bếp của mình sẽ toàn mùi bánh.
Lần này mình làm bánh mì challah với hương vị tỏi và rosemary cho cả nhà ăn tối. Loại bánh này cực kì thích hợp để làm loại bánh mì ăn chính thay cơm cho một bữa tối cuối tuần.
Bạn biết không, ở NZ, rosemary cũng mọc thành các bụi lớn cực “khủng” luôn, nhiều bụi rosemary to không khác thì bụi hoa trà luôn, không hề nhỏ nhỏ xinh xinh trong mấy chậu cây cảnh bé tí như chúng ta trồng ở VN đâu. Đợt này rosemary cũng nở hoa, cả cây “ùa” ra một màu tím của những bông hoa bé xíu, nổi bật trên nền lá xanh thẫm.
Hôm nay mình làm được hai ổ bánh mì này ngon tuyệt vời. Bánh thơm nức mùi rosemary, điểm nhẹ một chút mùi vị tỏi. Nếu bạn thích bánh mì bơ tỏi thì bạn sẽ hiểu ngay mùi tỏi trong bánh mì thơm thế nào, chứ không phải là mùi hắc đâu nhé, nên nói bánh mì tỏi thì bạn đừng sợ ?
Bánh mềm và thơm lắm, vị bánh ngậy vừa phải vì làm theo kiểu bánh challah, khác với bánh mì baguette thông thường. Mình làm được hai ổ bánh, một ổ cho con bé nhà mình mang sang nhà đứa bạn thân của nó vì tối đó nó xin được ngủ lại nhà bạn, nên ổ bánh đó để tặng cho nhà đứa bạn. Con bé nhà mình kể tối đó nhà đứa bạn cũng cắt bánh này ra ăn ngay.
Bánh mì challah thường có hình dạng đặc trưng là tạo hình tết bím. Thế nên lần này mình cũng bày ra tết, và lần này mình tập cách tết bốn sợi. Có thể bạn đã biết đến cách tết bốn sợi, nếu chưa biết thì bạn search hình ảnh trên mạng để tập tết theo, mình cũng xem hình ảnh trên mạng mà tết theo đó.
Mới tết xong thì ổ bánh trông rất gọn gàng, nhưng sau khi bột nở lên thì khối bột rất lớn, các nét sẽ không được rõ thế này.
Loại bánh mì này làm không khó. Giờ mình chia sẻ với bạn công thức làm ngay đây. Bạn sẵn sàng vào bếp chưa ?
Rosemary garlic challah bread
Dụng cụ – Thiết bị
- Lò nướng
- Máy trộn bột
Nguyên liệu
- 8 g men khô - instant yeast
- 1 cup nước ấm - 240ml
- 1 tbsp đường trắng
- ¼ cup dầu ăn - 60ml
- 2 tbsp mật ong
- 2 quả trứng
- 4 cups bột bánh mì - hoặc bột đa dụng
- 1 tsp muối
- 1 tbsp bột tỏi
- 2 tbsp lá hương thảo tươi - thái nhỏ
- 2 tép tỏi tươi - thái lát mỏng
Cách làm từng bước
- Cho men, nước ấm và đường vào chung một tô, để yên 10 phút cho men nổi bọt.
- Trộn chung dầu ăn, mật ong và trứng. Sau đó cho vào hỗn hợp men ở trên.
- Trong tô trộn bột, trộn chung bột mì, muối, bột tỏi và hương thảo.
- Cho hỗn hợp chất lỏng ở trên vào bột. Bật máy ở tốc độ thấp cho máy nhào bột, thời gian nhào khoảng 10 phút, đến khi bột quện lại thành khối dẻo, mềm, mịn.
- Đậy kín tô bột để tránh bị khô bề mặt bột. Để tô bột ở chỗ ấm cho bột nở lên gấp đôi. Đây là ủ lần một.
- Sau khi bột nở gấp đôi, lấy bột ra ấn xẹp hết khí, chia bột thành hai phần, vê lại thành khối bột tròn và để bột nghỉ 10 phút trước khi tạo hình.
- Để tạo hình ổ bánh mì tết bím với bốn sợi, chia mỗi khối bột thành 4 phần bột đều nhau và vê thành sợi, độ dài khoảng 25cm.
- Tết sợi bột theo cách tết bốn để được ổ bánh như hình.
- Đặt bột lên khay nướng có lót giấy chống dính. Phủ khăn sạch lên trên bột. Để bột ở chỗ ấm cho bột nở lên gấp đôi.
- Quét mặt bánh bằng hỗn hợp trứng hoặc sữa để tạo màu đẹp nếu thích. Xếp tỏi thái lát lên mặt bánh, có thể để thêm những nhánh hương thảo tươi cho bánh thêm sinh động.
- Làm nóng lò ở 350°F (hoặc 175°C). Cho bánh vào lò nướng, thời gian nướng khoảng 25-30 phút tùy theo độ dày của bánh. Khi bề mặt trên và mặt dưới bánh chín vàng nâu đều là được.