Bánh Castella, trong tiếng Nhật gọi là Kasutera (カステラ), là một loại bánh dạng sponge cake – bánh bông xốp mềm, được làm với thành phần chính là đường, bột, trứng và si-rô ngọt, phổ biến nhất trong các loại si-rô ngọt được dùng là mật ong. Với những người yêu thích làm bánh thì có lẽ đây là một trong những loại bánh sẽ luôn được đưa vào to-do-list – danh sách cần phải làm. Có phải vì loại bánh này đặc biệt ngon lạ không? Mình nghĩ không hẳn thế, mà phần nào sự hứng thú với chiếc bánh nghiêng về việc chinh phục một kĩ năng làm bánh mới và “có vẻ” khó hơn các loại bánh thông thường một chút.
Khi bạn đã làm rất nhiều các loại bánh ngọt, với nào là chocolate, creamcheese, các loại berries, nuts…với đủ mọi hương vị hoàn hảo, thì chiếc bánh bông lan với chỉ các nguyên liệu đơn giản là đường bột trứng lại có vẻ thật là đơn điệu. Tuy nhiên, dường như loại bánh Castella này vẫn có sự duyên dáng riêng nằm ở chính những miếng bánh vuông vức với những đường cắt rất thẳng thớm, nuột nà. Hương vị của bánh không đa dạng với sự hòa quện của nhiều loại nguyên liệu, mà chỉ đơn giản là sự mềm mại của miếng bánh, độ ẩm nhẹ nhàng với phảng phất hương vị mật ong thấm trong từng miếng bánh. Với người yêu bánh thì việc ngắm nhìn màu vàng tươi của bánh và cái lớp viền mặt bánh màu nâu sẫm cũng đủ khiến trong lòng thấy một cảm giác trìu mến, nâng niu.
Vào thế kỉ 16, loại bánh này đã được du nhập vào Nhật Bản từ những người Bồ Đào Nha, và từ đó tới nay đã trở thành loại bánh “đặc sản” của vùng Nagasaki. Chiếc khuôn truyền thống để làm loại bánh này là khuôn gỗ không đáy, nhưng phần lớn trong số chúng ta không có loại khuôn này. Để mô phỏng lại phần nào chiếc khuôn gỗ, mình học theo những chỉ dẫn trên mạng và dùng hai chiếc khuôn vuông, size 18cm đáy liền và khuôn 20cm đáy rời. Đặt khuôn 18cm vào bên trong khuôn 20cm, phần khoảng cách thừa trống giữa hai khuôn, chúng ta sẽ chèn vào đó 4 mảnh bìa cắt theo kích thước của khuôn và được bọc kín bằng giấy bạc. Vì sao cần phải “nhiêu khê” như vậy, bởi vì loại bánh này cần được nướng trong thời gian khá dài (khoảng 40 – 50 phút ) ở nhiệt độ tương đối thấp (160 độ C), để bánh nở lên từ từ và giữ vững kết cấu ổn định, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp khuôn kim loại với nhiệt cũng giúp bánh đỡ bị khô hơn. Bánh được nướng ở vị trí thấp nhất trong lò, mục đích cũng là để cho mặt dưới đáy được chín tới màu vàng nâu như bề mặt bánh và thành bánh sẽ không bị cháy, tuy nhiên dù thử nướng cách này vài lần thì mặt dưới bánh của mình vẫn không thể đạt được một lớp bánh dày màu nâu như vậy. Dù sao thì đây cũng không phải là điều bắt buộc đối với loại bánh này.
Xin chia sẻ với các bạn một cách làm bánh Castella khá đơn giản dưới đây. Có nhiều công thức khác nhau, có công thức dùng thêm nguyên liệu khác, nhưng mình chọn công thức này vì đơn giản, dễ làm mà bánh ra lò vẫn rất ngon.
Nguyên liệu:
– 85g lòng trắng (khoảng 2 quả trứng – nếu quá nhiều lòng trắng sẽ thường khiến mặt bánh bị nhăn sau khi để nguội)
– 60g lòng đỏ (khoảng 4 quả trứng – lòng đỏ giúp tăng độ mềm và ẩm cho bánh mà không làm nhăn mặt bánh)
– 60g đường trắng
– 60g bột bánh mì (bread flour)
– 20g mật ong (lượng mật ong đủ để thêm hương vị cho bánh, không dùng quá nhiều sẽ khiến bánh bị dính)
– 20g sữa tươi
Cách làm:
– Bật lò ở 160 độ C, chuẩn bị 2 khuôn như đã nói ở phần trên. khuôn 18cm có lót giấy nướng bánh bên trong để lấy ra được dễ dàng.
– Cho lòng trắng vào tô, tốc độ máy tăng dần từ chậm tới nhanh. Khi lòng trắng bắt đầu nổi bọt thì cho từ từ đường vào, đánh tới khi trứng bông lên, mịn, không quá cứng. Cho từng lòng đỏ vào, dùng máy đánh nhẹ cho lòng đỏ quện đều vào lòng trắng.
– Rây bột bánh mì vào trứng, trộn nhẹ nhàng bằng phới hoặc spatula mềm.
– Hòa mật ong với sữa tươi, cho vào hỗn hợp trên, trộn đều. Đổ hỗn hợp bột vào khuôn từ trên cao, khi đổ bột từ độ cao như vậy xuống khuôn sẽ làm cho các bong bóng khí lớn vỡ ra. Bê khuôn và vỗ mạnh hoặc thả rơi từ độ cao khoảng 25cm xuống mặt bàn vài lần để dàn phẳng bột và cũng là để làm vỡ các bóng khí to.
– Cho khuôn vào lò, đặt khuôn ở vị trí sát thanh nướng dưới, Nướng khoảng 40 – 45 phút tới khi mặt trên bánh đạt màu vàng nâu sậm. Lấy bánh ra khỏi lò, lập tức thả khuôn bánh từ trên cao xuống mặt bàn. Sau đó, dùng nylon thực phẩm bọc kín khuôn bánh để hơi nóng tạo thành độ ẩm thấm lại vào bên trong bánh, giúp bánh ẩm mà không bị khô. Để khuôn bánh vào trong tủ lạnh khoảng 2 tiếng, sau đó có thể lấy bánh ra cắt thành miếng và thưởng thức.
* Lưu ý: muốn bánh ẩm hơn và đượm mùi mật ong hơn, bạn có thể hòa thêm một thìa tsp mật ong với hai thìa tsp sữa tươi rồi dùng chổi mềm quét lên mặt bánh sau khi vừa lấy ra khỏi lò, rồi bọc nylon lại.
Chúc các bạn có những lát bánh vàng suộm thật là đẹp mắt và ngon miệng.
1 comment
Cám ơn những chia sẻ của bạn ,mình rất thích ct bánh chuối của bạn