Wagashi – nghệ thuật bánh ngọt Nhật Bản

Nhắc đến wagashi – bánh ngọt truyền thống Nhật Bản, mình phải kể đến bộ phim truyền hình dài tập Asuka mà mình xem hồi học lớp 8, lớp 9 gì đó. Mình nghĩ đã có nhiều người cùng thời với mình cũng từng xem qua bộ phim này. Bộ phim nói về một cô gái trẻ tên là Asuka quyết tâm tìm tòi, học hỏi và rẻn luyện tay nghề để mong master nghệ thuật làm wagashi  để tiếp quản tiệm bánh ngọt truyền thống của gia đình.

Ngay từ tập đầu tiên của bộ phim, Linh đã bị cuốn hút ngay bởi vể đẹp giản dị mà tinh tế, có chút gì đó rất dịu dàng của những chiếc bánh wagashi. Và thế là Linh mê mẩn theo dõi đến hết bộ phim, và ấn tượng về những chiếc bánh vẫn còn sâu đậm đến tận bây giờ. Tuy vậy, Linh lại chưa có dịp nào được học hỏi làm loại bánh này, những mỗi khi nhìn wagashi trong lòng lại khơi lên một cảm giác hy vọng một ngày nào đó sẽ được tận mắt nhìn, tận tay cầm những dụng cụ và nguyên liệu làm wagashi để tập tành làm nên những chiếc bánh xinh xinh.

Từ “wagashi” bắt nguồn từ từ “kashi”, dịch nghĩa là “kẹo” hay các món ngọt, tuy nhiên thủa xưa nói đến “kashi” là nói đến các loại hạt ngũ cốc (nuts), các loại quả dâu (berries) và hoa quả (fruits). Từ “wagashi” bắt đầu được sử dụng từ thời Meiji để phân biệt với các loại bánh ngọt đến từ phương Tây (wa – từ để chỉ Nhật Bản).

Wagashi có nguồn gốc từ thời Yayoi (300 năm trước công nguyên), lúc đó wagashi chỉ đơn thuần là các món ngọt làm từ hoa quả và các loại hạt. Khi kĩ thuật xay nghiền các loại lương thực phát triển thì wagashi cũng được ảnh hưởng rất nhiều khi bột làm từ lúa mì, gạo nếp, gạo tẻ, đỗ và các loại lương thực khác được đưa vào dùng làm wagashi. Vị ngọt của bánh trước đây phụ thuộc vào vị ngọt tự nhiên của hoa quả và hạt thì việc sản xuất được đường đã làm thay đổi các công thức tạọ vị ngọt cho bánh.

Tới thời kì Edo (1603), wagashi thực sự phát triển mạnh mẽ cùng với các cuộc thông thương giữa Nhật và nước ngoài. Nếu như trước đây chỉ có những tầng lớp thượng lưu mới được thưởng thức wagashi thì nay wagashi trở nên phổ biến hơn rất nhiều và đi vào tầng lớp trung lưu. Wagashi bắt đầu xuất hiện thường xuyên trong các bữa tiệc trà đạo, các bữa ăn nhẹ buổi chiều, và đặc biệt được sử dụng làm quà tặng sang trọng.

Wagashi - nghệ thuật bánh ngọt Nhật Bản

Qua nhiều thế kỉ, mặc dù wagashi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hoá phương Tây rất nhiều, nhưng wagashi vẫn được nhắc đến như một biểu tượng về thẩm mỹ nghệ thuật Nhật Bản.

Wagashi được chia làm 3 nhóm chính, việc phân loại dựa trên độ ẩm của bánh hoặc phương pháp làm bánh.

Độ ẩm của bánh là một yếu tố rất quan trọng quyết định “hạn sử dụng” của bánh.

  • Namagashi: là loại bánh tươi, có độ ẩm trên 30%
  • Han namagash: loại bánh có độ ẩm 10-30 %
  • Higashi: loại bánh khô  có độ ẩm dưới 10 %

Nếu phân chia theo phương pháp làm bánh thì ví dụ wagashi có những loại sau:

  • Mushi mono: bánh hấp
  • Yaki mono: bánh nướng
  • Nagashi mono: bánh dạng thạch
  • Neri mono: bánh nhào nặn bằng tay
  • Uchi mono: bánh nặn từ khuôn
Wagashi - nghệ thuật bánh ngọt Nhật Bản

Để thấy hết sự đặc sắc của wagashi, chúng ta phải thưởng thức bằng tất cả năm giác quan: nhìn bằng mắt, ngửi bằng mũi, “nghe bằng tai”, chạm bằng tay, rồi mới đến nếm bằng miệng. Mỗi chiếc bánh wagashi đặc sắc ở thiết kế riêng biệt, việc tạo hình từng chiếc bánh phải làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên của từng mùa tại thời điểm hiện tại. Ví dụ vào mùa xuân khi hoa anh đào nở rộ, chúng ta sẽ thấy rất nhiều mẫu bánh lấy cảm hứng từ bông hoa, cánh hoa, màu sắc hoa anh đào, thậm chí lá anh đào cũng được sử dụng để làm bánh.

Tại sao nói thưởng thức wagashi có thể nghe bằng tai, đó là bởi vì chiếc bánh có thể được đặt tên theo một biểu tượng, một hiện tượng thiên nhiên đẹp của mỗi mùa, hoặc được đặt tên theo ca từ trong thơ, nhạc. Khi nghe những cái tên đầy chất thơ đó, người thưởng thức bánh sẽ có thể dùng trí tưởng tượng của mình để vẽ nên những cảnh thiên nhiên đẹp đẽ thơ mộng.

Vị của wagashi cũng không được quá ngọt hoặc quá nhạt, mà phải là một sự cân bằng, hài hoà. Đậu đỏ (azuki beans) là một trong những nguyên liệu chính của những chiếc bánh wagashi, ngoài ra có bột mì, bột gạo, vừng, khoai môn, đường, bột thạch (kanten). Vì thế wagashi không những ngon mà còn là loại bánh tốt cho sức khoẻ.

Nếu các bạn đến Nhật, đừng bỏ lỡ việc khám phá thế giới wagashi tuyệt đẹp nhé.

(Nguồn ảnh: Internet)

0 comments
  1. Cám ơn Linh, mình cũng thích những chiếc bánh Wagashi này vì vẻ đẹp, vì chất liệu tạo nên bánh. Và cũng thích bộ phim mà Linh nói ^^ nếu có thể mong Linh chia sẽ 1 ít về cách làm bánh này nha, thích quá

  2. cám ơn chị Linh ^^,có lần em lên youtube,xem được một clip các nghệ nhân NB làm bánh wagashi này,cực kỳ ấn tượng luôn đó chị,giờ mới có dịp hiểu rõ…cám ơn chị lần nữa ^__^

  3. e ngưỡng mộ chị quá ah. e tìm hỉu về bánh cũng thông qua kokotaru của chị. ah phim chị nhắc trong bài viết e cũng có xem và rất thic nhung k nhớ nổi tựa. Cám ơn c vì những bài viết bổ ích thế này 😀

  4. Em giới thiệu về bánh của Nhật ,chị thích lắm .Nếu như có công thức làm thì nhó cho chị với nhe.Cảm ơn em

  5. Em mới qua Nhật được nửa năm. Ấn tượng về những chiếc bánh này là nhỏ nhắn xinh xắn. Và ngọt kinh khủng. Vì người Nhật làm bánh để ăn lúc uống trà :D.
    Chị Linh làm mấy loại này đi chị. E đu theo với. Hihi. Em sẽ giảm lượng đường. Vì thực sự bánh này ăn mà ko kèm trà thì được 1 cái là ớn ơi là ớn vì ngọt quá :”>

    1. @Lily Thuỷ: đúng rồi, bạn bè chị cũng nhận xét là bánh đẹp nhưng mà ngọt kinh khủng, và đúng là bánh wagashi luôn được thưởng thức cùng với trà mà.

  6. woa, em cực kì yêu thích phim Asuka, và cũng ước mơ 1 lần được ăn loại bánh này. Cảm ơn chị nhiều nhé.

  7. Mẹ rất thích các loại bánh quảng cáo của Linh, mẹ đang làm bánh Sukem nhưng làm vỏ bành không cần bơ có được không? Mẹ chúc Cty KOSMOS thành công.

  8. Linh ơi, sắp tới sinh nhật em trai chị mà nó vô cùng yêu thích văn hoá Nhật. Chị muốn hỏi tiệm bánh của em có nhận đặt Wagashi ko? Nếu có thì em có thể bớt đường ko vì nhà chị ai cũng sợ ngọt?

    1. @Thanh Thuỷ: chị ơi mặc dù em rất muốn làm wagashi nhưng em chưa được học và cũng chưa có thời gian để tự tìm tài liệu học làm loại bánh này chị ạ 🙁

  9. C ơi cho e hỏi?? E làm nama theo công thức socola 75%, làm theo trên mạng thì ko thành, e đã làm nhiều lần và ra công thức 70g socola (nửa trắng và đen) 50ml wipingcream, 4g bơ. Đã đạt độ mềm xong vị vẫn ko ngon. Nếu e để mỗi socola đen thì đắng. E thấy ngoài hàng họ làm chỉ hơi đắng, ngọt, lại ngậy, ngon lắm! C chỉ giúp e công thức đúng cho 1 loại socola cụ thể đc ko ạ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You May Also Like