Làm bánh Bông lan/Gato cơ bản bằng nồi cơm điện

Linh biết rằng có rất nhiều bạn mê làm bánh lắm lắm nhưng trong nhà chưa có lò nướng. Linh cũng biết cái cảm giác đôi khi muốn tự tay làm một chiếc bánh gato thật đơn giản cho bố mẹ, cho chồng con, cho một người bạn đặc biệt, nhưng trong bếp thì chưa có đủ tất cả mọi dụng cụ đồ đạc, vậy khi đó chúng ta có thể làm gì?

Làm bánh bông lan (theo cách gọi của người miền Nam), hay bánh gato (theo cách gọi của người miền Bắc) bằng nồi cơm điện là một giải pháp bắt đầu có từ khoảng 5 năm gần đây kể từ khi những chiếc nồi cơm điện đa năng được ồ ạt giới thiệu ra thị trường VN – những chiếc nồi mà ngoài chức năng nấu cơm còn có thêm các chức năng hấp dẫn khác như nướng bánh, nấu cháo, nấu súp (mà giá thành cũng không quá cao, trên dưới 1 triệu là bạn có thể có được chiếc nồi cơm điện có chức năng làm bánh Cake rồi).

Mặc dù so với việc sử dụng lò nướng, nồi cơm điện không thể cho ra những chiếc bánh bông lan hoàn hảo bằng, tuy nhiên nó là giải pháp thay thế rất tốt đối với những bạn chưa có lò nướng, hoặc chẳng may lúc cần gấp mà cái lò nướng của bạn lại “chập cheng” không dùng được, và mục tiêu của bạn cũng không phải là nướng bánh thường xuyên và nhiều loại đa dạng khác nhau.

Bánh bông lan, hay bánh gato, có lẽ là loại bánh được những người làm bánh ở nhà làm thường xuyên nhất, vì nó chính là cái cốt bánh để làm nên những chiếc bánh sinh nhật. Tại sao có tên gọi là bánh bông lan? Từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã đem những loại bánh gateau đến VN, đây là loại bánh với thành phần cơ bản là bột mì, đường, trứng, sữa, bơ, và thêm hương vani để bánh thật thơm.

Hương vani được chiết xuất từ quả vani – cây vani có họ hàng với giống hoa phong lan, vì vậy người miền Nam gọi loại bánh này là bánh bông lan, còn người miền Bắc gọi là Gato – chính là do từ Gateau trong tiếng Pháp mà ra.

Nếu bạn đã xem bài Tên gọi các loại bánh phương Tây thì tất cả chúng ta đều biết rằng bánh bông lan hay bánh gato chỉ là tên gọi chung cho tất cả các loại bánh Cake nói chung. Vì vậy, có rất nhiều phương pháp trộn bột khác nhau, nhiều công thức khác nhau.

Lần này, Linh chia sẻ với các bạn một cách làm cốt bánh gato cơ bản nhất, với phương pháp cũng đơn giản nhất luôn, để các bạn có thể dễ dàng thực hiện với chiếc nồi cơm điện của mình. Trong quá trình từ lúc mới tập tọe làm bánh, Linh cũng có thử làm qua các công thức gato cơ bản khác nhau và nếm rất nhiều sản phẩm bánh gato khác nhau. Có nhiều công thức khác Linh đã làm cho ra bánh ngon hơn công thức mà Linh chia sẻ lần này, tuy nhiên như Linh đã nói ở trên, cách làm lần này là để đảm bảo các yếu tố: đơn giản nhất, dễ làm nhất, vừa đủ nguyên liệu để ra được vị bánh ok nhất, làm bằng nồi cơm điện vẫn ngon, khó hỏng nhất. 

Tất nhiên với công thức này bạn hoàn toàn có thể nướng bánh bằng lò nướng thông thường nhé.

Phương pháp đánh trứng trong công thức này là đánh nguyên quả trứng, vì vậy bạn không cần lo việc tách trứng, đánh riêng từng phần và kết hợp trộn chúng lại với nhau – cách làm mà khá phức tạp đối với các bạn mới làm bánh và khả năng bánh xẹp cũng cao hơn (dù cách tách trứng cho bánh có độ bông hơn và mềm hơn). Mình thử nghiệm chỉ làm với bột mì cake flour, không cần pha trộn thêm bột ngô (bột bắp), bánh vẫn mềm, xốp. Dầu ăn và sữa tươi thì trộn trực tiếp luôn vào trứng đánh bông, rất đơn giản và không cần chú ý gì nhiều, và chính dầu ăn với sữa tươi sẽ giúp cho bánh ẩm, mềm, thơm hơn và không bị khô.

Mình tạm gọi  là bánh bông lan cơ bản kiểu Kokotaru nhé.

Nguyên liệu

  • 100g bột mì cake flour
  • 75g đường trắng
  • 3 quả trứng to
  • 1/4 tsp muối tinh
  • 40ml dầu ăn
  • 30ml sữa tươi
  • 1/2 tsp vanilla (bạn dùng loại bột hay nước đều được)

Cách làm

  • Cho trứng, đường, muối vào tô. Dùng máy đánh tốc độ cao, đánh trứng tới khi bông và nhạt màu.

  • Cho dầu ăn, sữa tươi và vanilla vào trứng.
  • Từ từ rây bột mì vào hỗn hợp trứng, dùng phới lồng (whisk) hoặc thìa vét (spatula) trộn đều tay và nhẹ nhàng đến khi trứng quện đều với bột.

  • Lót giấy nướng bánh vào đáy nồi cơm điện, bôi dầu ăn lên thành nồi để chống dính, khi đổ bánh ra được dễ dàng.

  • Đổ bột vào nồi cơm điện, chọn chế độ “cake” là xong. Chiếc nồi cơm của mình cần 45 phút để nướng chín bánh.

  • Hết thời gian nướng, lấy bánh ra khỏi nồi, úp ngược bánh lên giá phơi bánh để bánh không hấp hơi nước, mau nguội.

Nếu bạn nướng bằng lò nướng thông thường, bạn cần thực hiện các bước sau:

  • Làm nóng lò ở 175 độ C.
  • Cho khuôn vào lò ở vị trí chính giữa, nướng bánh 35-40 phút, hoặc đến khi thấy bề mặt bánh chín vàng nâu, thử xiên đầu đũa vào rút ra thấy đũa sạch là bánh đã chín.

Ta đa !! Bánh đã xong. Bánh nướng bằng nồi cơm điện khác với bánh nướng bằng lò như sau:

  • Bề mặt trên không có màu vàng nâu do nồi cơm điện không có thanh nướng phía trên như lò nướng, chỉ có 1 mâm nhiệt ở dưới đáy.
  • Bánh sẽ nở thấp hơn bánh nướng bằng lò nướng. Với lò nướng chúng ta cần bật lò trước đến nhiệt độ cần nướng, bánh cho vào lò được tiếp xúc với nhiệt chuẩn ngay và vì thế bánh nở đều lên. Còn nồi cơm điện không đặt được chế độ làm nóng trước như lò nướng, do đó bột sẽ nở lên ít hơn và chậm hơn.

Với chiếc bánh gato cơ bản này, Linh đã trang trí nó với kem tươi và kiwi một cách cũng cực kì đơn giản.

Chia đôi bánh thành hai lớp nè.

Đánh bông kem tươi whipping cream với đường.

Cho 1 nửa lượng kem lên trên lát bánh thứ nhất, sau đó xếp kiwi cắt lát lên làm “nhân” bánh.

Đặt lát bánh còn lại lên trên, phết nốt phần kem còn lại và trang trí tùy ý.

Nếu muốn trang trí kiểu  như mình, 1 chiếc bánh đường kính khoảng 18-20cm, bạn cần khoảng 200ml whipping cream đánh bông cùng 35g đường trắng. Bánh không bị phủ kín kem nên cũng sẽ ít ngấy hơn, lượng đường vừa đủ làm kem cứng và có vị ngọt vừa phải.

Linh thích trang trí bánh thêm hoa quả có vị chua để cân bằng lại độ ngọt và béo của bánh và kem. Bạn có thể dùng kiwi, dâu tây, nho, phúc bồn tử, cam, quýt, hoặc bất kì loại quả nào mà bạn thích nhé. Bạn có thể dùng thêm các loại hạt thái vụn và rắc lên bánh cho chúng thêm hấp dẫn. Lần này làm bánh, ngoài whipping cream và kiwi thì Linh không có thêm thứ gì khác để trang trí cho chiếc bánh của mình, cho nên nó thật đơn giản và “cơ bản” như vậy đấy ^^

Chúc các bạn thành công và có những chiếc bánh đúng kiểu home-made: giản dị, ngon mà chất lượng nhé. Quan trọng nhất là nó chứa đầy tình yêu thương của bạn trong đó đấy ^^

3 comments
  1. Cho minh hoi, nôi cơm đien tử nhà minh cung co chức năng nuong banh. Nhung trong qua trinh nuong banh,nồi cơm bên trong có hơi nước đọng và nhieu vào mặt bánh khién bánh bề mặt trên bị ẩm.. mình xem nhiu cach chỉ làm banh bang nôi com điện nhưng không nói đến vắng đề này. Nếu ban biết giải đáp cho minh nha

  2. Hi I know that you had this website in English before. Are you planning to have a translation button or an English version again?

    1. @Helen: hi Helen, you surprised me with your question, because many years ago I actually maintained an English version for my blog. It has been many years I haven’t done any blogging at all, until recently I started to share my recipes again. I don’t use a translation button because it doesn’t sound naturally the way it automatically translates the content. However, I also have been thinking about doing the English version again, just that at the moment I haven’t got time for that. But I deeply feel thankful for your suggestion and your love for my blog after so many years <3

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You May Also Like