Quả thực, ai đã từng nhìn những chiếc bánh macarons nhỏ xinh xắn với nhiều màu sắc rực rỡ thì không thể không yêu những chiếc bánh này. Ôi sao mà chúng đáng yêu đến thế, đáng yêu từ cái dáng hình, cái cấu trúc, cái màu sắc. Macarons là một loại bánh nổi tiếng của Pháp từ rất rất lâu rồi, chúng ta bây giờ cũng không còn lạ gì với bánh này nữa, khi mà nó là một trong những loại bánh được mọi người ưa làm nhiều nhất, ưa chụp ảnh nhất để làm bật lên cái tinh tế và xinh xẻo của loại bánh này. Có rất nhiều những tấm hình đẹp về macarons được mọi người dùng làm wallpapers để ngắm cho thích mắt ^^
Ăn nó thì sao nhỉ? Uhm, nó ngon, nhưng mà ngọt quá, đó là nhận xét chung của hầu hết mọi người. Vì thế, có lẽ chỉ những ai thích ăn ngọt lắm, ngọt đậm, ngọt sắc mới nghiện ăn macarons, còn không thì đa phần sẽ thích ngắm bánh hơn là thích ăn. Macarons khi cắn vào thì giòn rụm với hai miếng bánh kẹp giữa lớp nhân mềm và cũng ngọt. Macarons đặc trưng với những chiếc bánh nhỏ nhiều màu, mà hai miếng bánh này phải phân tách rõ làm hai phần: phần “nứt và sần nhỏ” hay được gọi là “chân” hoặc “váy” của macarons, và phần bánh trên mặt láng mịn và bóng. Những chiếc bánh nào không lộ rõ phần “chân” và bề mặt láng mịn thì chưa được xem là những chiếc bánh đẹp nhất.
Macarons tuy đẹp nhưng cũng khó chinh phục được nó, nếu không trải qua nhiều lần làm, thất bại và thử nghiệm, rồi rút kinh nghiệm. Mình cũng làm vài lần trước đây, lần nào cũng nhăm nhe giảm đường, mấy lần cố gắng thử làm giảm đường rồi, nhưng đều không ổn. Rốt lại là nếu muốn làm macarons thì phải chấp nhận ăn những chiếc bánh ngọt thật là ngọt, không có cách nào khác. Để giảm bớt độ ngọt của bánh, chúng ta đành tác động tới phần kem, dùng kem có vị chua như kem creamcheese, kem chanh vàng,..nhưng đây cũng không phải là kem truyền thống của macarons, truyền thống nhất là kem chocolate ganache và butter cream.
Mình thích làm những bánh size nhỏ, đơn giản vì cảm giác thích những thứ nhỏ nhỏ hơn. Mình cũng thích những chiếc bánh với màu sắc nhạt hơn là màu đậm.
Nguyên liệu:
(các bạn nên làm những mẻ nhỏ, với nguyên liệu ít như thế này, nếu làm size nhỏ khoảng 4-5cm thì bạn cũng làm được 20 miếng bánh, ghép lại cũng được 10 cái, mà nếu có hỏng thì cũng không bị phí nguyên liệu, có thể làm lại mẻ mới. Bánh hỏng là bánh nướng không tạo chân, hoặc chân quá ít gần như không lộ, mặt bánh bị nứt, tuy vậy vẫn ăn được, nên bạn đừng nghĩ là hỏng mà bỏ đi, lãng phí nhé).
– 35g bột hạnh nhân
– 65g đường icing
– 30g lòng trắng trứng
– 1/16tsp cream of tartar
Cách làm:
– Cho bột hạnh nhân vào máy sinh tố, xay một lúc cho bột hạnh nhân nhỏ hơn nữa (bột hạnh nhân mua sẵn chưa đạt độ nhỏ mịn cần thiết để làm bánh này, khi xay bột sẽ nhỏ hơn).
– Sau khi xay, cho vào rây bột lỗ nhỏ, rây để chỉ lấy phần bột mịn. Khi rây, bạn sẽ thấy là còn những hạt nhỏ không xay được và còn lại trên rây bột, nếu xay lượng nhỏ này thì rất khó mịn, do đó, mình thường lấy thừa bột hạnh nhân và xay, sau đó cân phần bột mịn sao cho được đúng 35g.
– Rây đường icing để đảm bảo đường không bị vón cục, trộn lần đường icing với bột hạnh nhân.
– Trong 1 tô khác, đánh bông lòng trắng với cream of tartar đến khi lòng trắng bông mịn và bóng, không đánh quá lâu sẽ làm lòng trắng bị cứng, khi trộn sẽ bị bợn, không mịn. Đánh máy tốc độ từ nhỏ rồi tăng dần tốc độ. Nếu muốn bánh có màu sắc, bạn nhỏ vài giọt màu nước vào lòng trắng và trộn màu ngay từ lúc này. Độ đậm nhạt của bánh tùy thuộc vào lượng màu bạn cho vào.
– Cho hỗn hợp bột hạnh nhân và icing vào lòng trắng, dùng spatula trộn đều nhẹ nhàng. Cho vào túi bắt kem, cắt đầu tròn nhỏ, bóp lên khay nướng có lót giấy. Nếu cẩn thận và muốn bánh ra đều, bạn có thể vẽ các vòng tròn lên giấy nướng bánh, rồi lật mặt không vẽ lên để bóp bột ra khay.
– Phơi bánh ít nhất 1 tiếng, trong điều kiện khí hậu khô, nếu bạn để trong phòng điều hòa nhiệt độ tầm 25-27 độ là tốt nhất. Khi bề mặt bánh khô, bạn có thể lướt nhẹ tay trên bề mặt bánh mà tay không bị dính bột.
– Bật lò ở 170 độ C. Khi lò đạt nhiệt độ, cho khay nướng vào lò ở vị trí thấp nhất trong lò. Nướng khoảng 5 phút thì bánh bắt đầu “nhảy chân”, lấy bánh ra khỏi lò bằng thao tác rất nhanh, sau đó cho ngay vào trong lò, vặn nhiệt độ hạ xuống còn 140 độ C, nướng bánh 10 phút là được. Lấy bánh ra khỏi lò, để nguội trên khay, rồi gỡ bánh ra khỏi giấy nướng.
*Lưu ý khi làm macarons:
– Độ ẩm không khí rất quan trọng. Bạn nên làm vào những ngày không mưa, độ ẩm không khí thấp.
– Chú ý đặc biệt ở khâu đánh lòng trắng, không đánh quá bông cứng.
– Dùng giấy nướng bánh mới và sạch, không dùng giấy cũ đã nướng bánh khác.
– Nhiều người sau khi nướng xong 10 phút cuối, còn hạ thấp nhiệt độ và sấy cho bánh hoàn toàn khô hẳn. Tuy nhiên, khi mình đọc những mô tả về macarons, bánh chuẩn là ở trên và dưới khô và giòn rụm, nhưng ở chính giữa bánh thì còn lưu lại một chút xíu cảm giác dai, nếu chúng ta sấy bánh thêm trong lò thì bánh sẽ chỉ hoàn toàn giòn tan mà không có cảm giác đặc biệt kia.
– Bảo quản bánh trong lọ kín, khi ăn mới bóp kem lên bánh và kẹp hai miếng bánh lại. Các bạn có thể chọn vị kem tùy ý thích.
Bánh macarons làm quà tặng rất đẹp ^^